Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và triển vọng phát triển

Hải Phòng được xem là cảng cửa ngõ quan trọng ở khu vực phía Bắc và là một trong những cảng biển nhộn nhịp nhất ở Việt Nam.

Là một thương cảng mạnh, Hải Phòng đã nỗ lực xây dựng hạ tầng xứng đáng với vị thế của mình.

Một số cảng của Hải Phòng có trang bị phương tiện, thiết bị xếp dỡ hiện đại, chuyên dụng từ các nước phát triển như Nhật, Đức, Hà Lan và áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xếp dỡ nên đạt được năng suất tương đương các cảng biển khu vực Đông Nam Á.

Cảng Hải Phòng. Ảnh vietship.net

Theo thống kê, Hải Phòng hiện có 39 doanh nghiệp cảng biển với 47 bến cảng có tổng chiều dài gần 11km được lắp đặt các phương tiện kỹ thuật hiện đại để có khả năng tiếp nhận tàu lên đến 50.000 tấn (47 bến theo Quyết định về Danh mục bến cảng ngày 22-02-2017 của Bộ giao thông vận tải).

Về năng lực hoạt động, theo báo cáo của Cục thống kê Hải phòng, tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển toàn thành phố Hải Phòng ước tính các năm 2015 là 68,8 triệu TTQ  (tấn thông qua), năm 2016 là 78,13 triệu tấn, tăng 12%. Theo dự báo, khối lượng này năm 2020 sẽ lên tới 110-120 tấn.

Nhờ sức hút lớn nên khối lượng hàng hóa lưu thông qua hệ thống cảng biển Hải Phòng không ngừng gia tăng qua các năm. Xét trong giai đoạn 2010-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng lượng hàng hóa thông cảng Hải Phòng theo trích dẫn của báo Diễn đàn Doanh nghiệp thuộc VCCI là 13,9%/năm, cao hơn tốc độ cả nước (9,4%).

Với những thế mạnh trên, hệ thống cảng biển Hải Phòng đã được quy hoạch và đưa vào chiến lược phát triển của thành phố để sớm trở thành hệ thống cảng ngang tầm khu vực và thế giới.

Trong một buổi làm việc giữa lãnh đạo thành phố với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hồi đầu năm nay (tháng 1-2017) về thực thi quy hoạch phát triển cảng biển Hải Phòng, để đáp ứng lưu lượng hàng hóa thông cảng ngày càng tăng, UBND thành phố đã xin phép chính phủ triển khai đầu tư các bến cảng tiếp theo của cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện). Kết quả là phó Thủ tướng đã yêu cầu thành phố phải tập trung phát triển nhóm cảng biển đúng theo quy hoạch đã phê duyệt để Lạch Huyện sớm trở thành một trong hai cảng trung chuyển lớn nhất Việt Nam (cùng với cảng Cái Mép-Thị Vải của Bà Rịa-Vũng Tàu).

Theo dự kiến, cuối năm 2017 cảng quốc tế Lạch Huyện sẽ đi vào hoạt động, được đầu tư đồng bộ để tiếp nhận tàu trọng tải lớn lên tới 100.000 tấn, giúp hàng hóa xuất nhập khẩu toàn miền Bắc có thể đi thẳng tới Mỹ và châu Âu mà không phải qua các cảng trung chuyển ở Singapore, Hồng Kông như trước đây. Lợi thế này sẽ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí vận tải, góp phần nâng cao năng lực xuất nhập khẩu trên trường quốc tế, đồng thời thu hút thêm hàng hóa quá cảnh khu vực Đông Bắc Lào qua tuyến hành lang Đông-Tây và khu vực Nam Trung Quốc.